Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Tia_Lửa

Quân đội Liên Xô

Kế hoạch tác chiến của chiến dịch Tia lửa được Đại bản doanh chấp thuận vào ngày 28 tháng 12 năm 1942, khi phía STAVKA phát hiện các tập đoàn quân 16 và 18 của Đức chuyển sang phòng thủ mùa đông. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm giải vây cơ bản cho Leningrad, thủ tiêu sự uy hiếp của tập đoàn quân 16 (Đức) trên tuyến Chernaya Rechka, Shlissenburg, Livka, Sinyavino phía nam hồ Ladoga, khôi phục hoàn toàn và chắc chắn tuyến giao thông giữa Leningrad với nội địa Liên Xô.[15] Sau đó, hai phương diện quân Leningrad và Volkhov sẽ nghỉ ngơi 10 ngày để củng cố lực lượng cho các cuộc tấn công sắp tới.[16]

Mệnh lệnh ban xuống từ STAVKA có nội dung như sau:

Với lực lượng tổng hợp của các Phương diện quân Volkhov và Leningrad, đánh bại quân địch ở khu vực Lipka, Gaitolovo, Dubrovka, Shlisselburg, và sau đó phá vỡ vòng vây đối Leningrad. Kết thúc chiến dịch vào cuối tháng 1 năm 1943.
— STAVKA, [16]
Bản đồ kế hoạch tấn công của quân đội Liên Xô

Sự khác biệt lớn nhất giữa chiến dịch Tia Lửa với chiến dịch Sinyavino hồi tháng 9 năm 1942 đó là phương hướng tấn công. Trong chiến dịch Sinyavino, quân đội Liên Xô chọn mục tiêu là phía Nam điểm dân cư cùng tên với ý định bao vây một số sư đoàn Đức trong cái "cổ chai" Shlisselburg, tuy nhiên hướng tấn công như vậy khiến đối phương có thể dễ dàng đột kích vào cánh Bắc của phương diện quân Volkhov để tiến hành phản bao vây, đập tan đợt tấn công của Hồng quân. Lần này, mục tiêu của chiến dịch nằm ở phía Bắc Sinyavino, gần hơn với hồ Ladoga, vì vậy loại trừ được nguy cơ bị phản đột kích ở cạnh sườn và tăng khả năng thành công của chiến dịch. Lựa chọn an toàn cũng có cái giá của nó: ý định bao vây phần lớn quân Đức ở "cổ chai" Shlisselburg không thể thực hiện được nếu chọn lối đánh này.[16]

Chiến dịch Tia Lửa được thực thi bởi các Tập đoàn quân số 67 (chỉ huy: M. P. Dukhanov) của PDQ Leningrad cà Tập đoàn quân xung kích số 2 (chỉ huy: V. Z. Romanovsky) của PDQ Volkhov. Tập đoàn quân số 8 (F. N. Starikov) có nhiệm vụ tấn công chiến thuật ở cạnh sườn của Tập đoàn quân xung kích số 2 và bảo vệ trận địa ở những khu vực khác.

Về chiến thuật, quân đội Liên Xô vẫn sử dụng cánh trái của Phương diện quân Leningrad và cánh phải của Phương diện quân Volkhov. Tại cánh trái Phương diện quân Leningrad, tập đoàn quân 67 do tướng M. P. Dukhanov chỉ huy vượt sông Neva đánh vào tuyến phòng thủ của cánh trái tập đoàn quân 18 (Đức) trên tuyến Moskovskaia - Dubrovka - Shlissenburrg và hợp điểm với cánh phải của Phương diện quân Volkhov. Yểm hộ sườn phải cho tập đoàn quân 67 có tập đoàn quân 55 do tướng V. P. Sviridov chỉ huy. Chủ lực cánh phải của Phương diện quân Volkhov vẫn là tập đoàn quân xung kích 2 do tướng B. Z. Romanovssky chỉ huy, yểm hộ sườn trái cho tập đoàn quân này có tập đoàn quân 8 do tướng F. N. Starikov chỉ huy.[17]

Hai Phương diện quân dành cả tháng 12 để tập dượt và chuẩn bị cho chiến dịch, cũng như nhận được rất nhiều binh lực tăng viện. Số binh lực này không chỉ bao gồm các sư đoàn, lữ đoàn bộ binh mới hoặc được tái bổ sung, mà còn bao hàm nhiều đơn vị pháo binhcông binh vốn cực kỳ quan trọng đối với việc đột phá các phòng tuyến dày đặc và vững chắc của quân Đức tại khu vực "cổ chai". Lực lượng tham gia chiến dịch cũng bao hàm những đơn vị chuyên dụng cho chiến đấu mùa đông, như ba lữ đoàn trượt tuyết và 4 tiểu đoàn thiết giáp trượt tuyết (aerosani, aэросани).[18] Nhằm đảm bảo ưu thế về không quân - vốn không đạt được trong các chiến dịch trước, số máy bay tại mặt trận được nâng lên 800 chiếc, chủ yếu là máy bay tiêm kích. Xe tăng tỏ ra không phù hợp đối với địa hình đầm lầy ở đây, vì vậy lực lượng thiết giáp chia nhỏ thành các tiểu đoàn và được sử dụng với vai trò hỗ trợ cho các sư đoàn, hoặc thành các lữ đoàn hoạt động độc lập.[19]

Ngày mở màn chiến dịch được dự kiến là ngày đầu năm mới (1 tháng 1 năm 1943), tuy nhiên điều kiện băng tuyết xấu ở sông Neva buộc ngày khởi binh bị dời lại đến 10-12 tháng 1.[18] Quân đội Xô Viết đã thi hành một số biện pháp bảo mật để ngăn chặn việc thông tin bị rò rỉ ra ngoài, tỉ như chỉ có một số tướng lĩnh cấp cao mới được phép tham gia soạn thảo kế hoạch, đồng thời việc tái bố trí và triển khai binh lực được tiến hành trong đêm hoặc trong thời tiết xấu, và một số đợt tấn công nghi binh nhỏ được tiến hành nhằm làm phân tán sự chú ý của kẻ địch.[20]

Vào ngày 10 tháng 10, Đại bản đoan cử Đại tướng G. K. Zhukov làm đại diện Đại bản doanh và chịu trách nhiệm phối hợp hành động của hai phương diện quân. Ngày hôm sau, các đơn vị bộ binh đến vị trí xuất phát và các thê đội dẫn đầu của xe tăng cùng vào vị trí vào ngày 12 tháng 1.[21]

Quân đội Đức Quốc xã

Phía Đức hiểu rõ rằng, việc phá vỡ vòng cương tỏa tại Leningrad rất quan trọng đối vối Liên Xô và kiểu nào thì Hồng quân cũng phải bung hết sức để đuổi quân Đức khỏi khu vực "cổ chai" Shlisselburg. Tuy nhiên, do lực lượng dự bị đã bị dồn hết cho việc giải cứu số quân bị vây ở "cái chảo" StalingradVelikiye Luki ở phía Nam, Cụm Tập đoàn quân Bắc - lực lượng đang thực thi việc bao vây Leningrad bị rút đi rất nhiều binh lực. Tập đoàn quân số 11 - đơn vị được dự kiến sẽ dẫn đầu các cuộc công kích vào Leningrad trong chiến dịch "Ánh sáng phương Bắc", và cũng là đơn vị đánh lui cuộc tấn công vào Sinyavino của Hồng quân cùng thời điểm - đã bị điều cho Cụm Tập đoàn quân Trung tâm hồi tháng 10. 9 sư đoàn khác của Cụm Tập đoàn quân Bắc cũng bị điều đi các khu vực khác.[22]

Vào đầu chiến dịch, Tập đoàn quân số 11 của Đức - bao hàm 26 sư đoàn - đã bị buộc phải trấn thủ trên một khu vực mặt trận dài 450 kilômét (280 mi). Điều này khiến binh lực của nó bị dàn mỏng và hầu như không có đơn vị dự bị nào ở cấp độ sư đoàn. Thật vậy, mỗi sư đoàn trấn thủ chỉ có 1-2 tiểu đoàn dự bị chiến thuật và lực lượng dự bị của tập đoàn quân chỉ bao hàm một phần của Sư đoàn bộ binh số 96 và sư đoàn sơn cước số 5. Tập đoàn quân không quân số 1 đảm được nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ về mặt không quân.[14]

5 sư đoàn và một phần của 1 sư đoàn khác trú đóng tại cái "cổ chai" Shlisselburg rộng 16 kilômét (9,9 mi) nằm ngăn cách các Phương diện quân Leningrad và Volkhov. Quân Đức ở đây có thì giờ bố phòng hết sức kỹ lưỡng vì hình thái mặt trận ở đây không thay đổi mấy so với hồi tháng 9 năm 1941 và họ hy vọng với hệ thống phòng ngự chặt chẽ như vậy thì có thể đánh lui đợt tấn công của phía Liên Xô.[11]